Nữ tướng Cốc Cốc: “Đối đầu với ông vừa giàu, vừa khoẻ như Google là động lực lớn, nhưng phải vừa đi vừa dò mìn để sống sót”
Đào Thu Phương là Phó Tổng giám đốc điều hành của Cốc Cốc, trình duyệt Internet với 24 triệu người dùng tại Việt Nam. Cô Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học máy tính của Kharkov đầu quân cho Cốc Cốc Việt Nam từ năm 2012, với vỏn vẹn 2 nhân sự sale & distribution rồi tăng lên hàng trăm người sau đó không lâu.
Đồng hành cùng ba nhà sáng lập người Việt của Cốc Cốc (Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Thanh, Nguyễn Đức Ngọc) từ giai đoạn đầu tiên, hơn ai hết Đào Thu Phương hiểu rõ khả năng sống sót của trình duyệt thuần Việt giữa vòng vây của các ông lớn.
Tháng 5/2013, mô tả phương châm hành động của Cốc Cốc là "nghĩ tầm thế giới, bắt đầu tại địa phương", CNN có bài viết cảnh báo Google về đối thủ mới nổi Cốc Cốc, khi trình duyệt này cán mốc 2 triệu người dùng sau 2 tháng ra mắt.
3 năm sau, trình duyệt của người Việt sáng lập vượt qua Safari, FireFox, Opera để đứng vị trí thứ 2 chỉ sau Google Chrome. Năm 2019, Cốc Cốc có 24 triệu lượt người dùng hàng tháng, chiếm 87,2% lượng tiếp cận người dùng destop, nắm giữ 18% thị trường trong nước.
Chia sẻ về triển vọng của Cốc Cốc, Đào Thu Phương cho biết, "Cốc Cốc đang bước chậm lại" và "tìm cách sống tốt – sống khỏe trước gã khổng lồ Google". Trong cuộc trò chuyện với Trí thức trẻ, nữ tướng Cốc Cốc cũng hé lộ bức tranh của doanh nghiệp sau giai đoạn cả ba nhà sáng lập người Việt đã rời vị trí điều hành nhưng ước mơ "ngôi vương" vẫn tiếp tục nối dài bởi những nhà đầu tư đến từ nước Đức.
Khởi đầu với ý tưởng tạo ra một cỗ máy tìm kiếm (search engine) để cạnh tranh với Google, rồi chuyển sang làm trình duyệt. Sự thay đổi đó của Cốc Cốc đã bắt nguồn từ lý do gì và trong bối cảnh như thế nào?
Thật ra, ban đầu Cốc Cốc triển khai làm máy tìm kiếm (search engine) nhưng khi đó, chúng tôi mới chỉ ở giai đoạn chạy thử sản phẩm. Lúc ấy, ý tưởng này không được tin tưởng và đón nhận của mọi người. Ai cũng nghĩ tại sao phải cần Cốc Cốc khi đã có một công cụ tìm kiếm là Google rất tốt ở Việt Nam rồi.
Thực tế là lúc mình mới chập chững biết đi thì Google đã chạy rất nhanh, dù chúng tôi làm tốt như thế nào chăng nữa cũng không thể bằng họ. Cách duy nhất để rút ngắn khoảng cách là xây dựng trình duyệt để từ đó hỗ trợ phát triển công cụ tìm kiếm. Càng nhiều người dùng thì chất lượng tìm kiếm mới tốt lên được.
Hơn nữa, khi nhìn vào Google, dù họ làm tìm kiếm rất tốt nhưng traffic (lưu lượng truy cập) của họ vẫn lại đến từ trình duyệt Chrome và Safari. Thậm chí, báo cáo của Goldman Sachs ước tính, trong năm 2019 Google sẽ trả cho Apple 12 tỷ đô la Mỹ để được duy trì làm công cụ tìm kiếm mặc định của trình duyệt Safari trên các thiết bị của Apple.
Vì thế, nếu như chỉ xây dựng công cụ tìm kiếm không thôi thì sẽ không có Cốc Cốc ngày hôm nay, bởi thuyết phục được người dùng vào thử một công cụ tìm kiếm mới vô cùng khó. Bởi vậy, năm 2012, Cốc Cốc phát triển trình duyệt và đến 2013 thì ra mắt phiên bản chính thức.
Vậy giữa làm trình duyệt và công cụ tìm kiếm thì chị thấy điều gì khó hơn?
Làm công cụ tìm kiếm khó hơn rất nhiều, còn trình duyệt thì đỡ khó hơn chút thôi (cười).
Cốc Cốc lấy nền tảng mã nguồn mở Chromium để xây dựng lên trình duyệt riêng cho thị trường Việt Nam. Còn với tìm kiếm, chúng tôi phải tải toàn bộ hơn 2 tỷ trang Internet tại Việt Nam (năm 2013) và lọc, sắp xếp làm sao kết quả trả về hiển thị đúng với những tìm kiếm của người dùng. Hướng đi này cần rất nhiều nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Do vậy, định hướng những năm trước của chúng tôi là vẫn phát triển công cụ tìm kiếm như một tính năng đặc biệt của trình duyệt để tìm kiếm tiếng Việt tốt hơn, chứ chưa phát triển thành một công cụ đứng riêng. Nhưng về lâu về dài chúng tôi sẽ làm điều đó.
Vậy tại sao khó như vậy và thị trường lúc ấy đã rất khốc liệt, nhiều công ty Việt vẫn nhảy vào công cụ tìm kiếm và không thành công?
Lúc Cốc Cốc làm công cụ tìm kiếm cũng có Wada - một công ty Việt Nam chọn hướng này, bởi thực ra nếu thành công thì sẽ rất rất lãi. Nhưng sự thật là làm rất khó. Để chia đúng những từ trong tiếng Việt và làm sao tìm được văn bản phù hợp là việc không hề đơn giản.
Nếu tính về các yếu tố như tiền đầu tư, cơ sở hạ tầng thì ở Việt Nam chắc chắn có nhiều doanh nghiệp có thể làm được công cụ tìm kiếm, nhưng vì sao chưa thành công thì có lẽ là do chưa có nhiều kinh nghiệm làm sản phẩm như vậy mà thôi.
Để công cụ tìm kiếm có thể đứng riêng vẫn là một trong những mục tiêu xa hơn của Cốc Cốc, nhưng làm sao Cốc Cốc đủ tiền bạc và kỹ sư giỏi để làm tìm kiếm tiếng Việt tốt hơn Google?
Nhìn lại lịch sử năm 2013 thì xử lý ngôn ngữ (linguistic) tiếng Việt của Google không tốt như vậy, trong khi Cốc Cốc lại làm tốt hơn rất nhiều. Hay như trước năm 2016, người dùng không thể tải được Google Maps trên iOS App Store tại Việt Nam. Một trong những lý do là cơ sở dữ liệu địa điểm của Google lúc đó chưa được tốt. Họ có outsource một đơn vị gắn địa chỉ GPS, nhưng có nhiều thông tin ko được cập nhật và sai lệch với thực tế. Trong khi đó, ứng dụng Cốc Cốc maps lại tìm kiếm địa điểm tốt, cập nhật nhanh hơn.
Tôi không chắc là do sự xuất hiện của Cốc Cốc, nhưng có lẽ do có sự cạnh tranh thì các bên phải làm sản phẩm ngày càng tốt hơn. Đến 2018 thì dữ liệu của họ rất tốt nên chúng tôi buộc phải tìm cái họ chưa chú ý đến để tìm đường đi.
Nếu bây giờ Cốc Cốc đi theo hướng khác hoàn toàn, dồn nhiều sức, tài nguyên vào đó mà không thành công thì chết rất nhanh. Vì nguy cơ chết lúc nào cũng có, nên Cốc Cốc rất cẩn trọng. Chúng tôi đã có những kỷ niệm đau thương, dồn hết sức xây dựng 1 sản phẩm và nó không thành công và phải loại bỏ.
Bây giờ, chúng tôi đi từng bước từng bước nhỏ, vừa đi vừa dò xem chỗ này có mìn không vì rất dễ chết (cười).
Nhìn lại tất cả những gì Cốc Cốc làm thì dù công ty có làm tốt hơn lúc ban đầu nhưng chỉ cần Google tràn ra, sử dụng tiềm lực thì dù thế nào họ cũng làm tốt hơn. Vậy làm sao để Cốc Cốc sống tốt?
Khi họ ào như nguồn nước lũ thì cái gì cũng sẽ sụp đổ hết nên mình phải chạy theo ngách hẹp và làm thật nhanh thôi.
Việc tạo ra những ngách như vậy có thực sự giúp Cốc Cốc có cách nâng quy mô lên lớn hơn không?
Có chứ. Thực ra đến giờ Cốc Cốc có khoảng 24 triệu người dùng cả mobile và desktop, như vậy là nửa dân số Internet Việt Nam rồi. Những năm đầu chúng tôi đã thành công khi đánh vào những tính năng mà người Việt cần.
Ở đâu thì cũng có những tính năng mà công ty lớn không đi vào vì nó có thể đi ngược lại chính sách toàn cầu của họ hoặc số lượng người dùng không nhiều (đối với họ). Chính vì thế sẽ có những cái mà khi mình là người Việt sẽ hiểu, sẽ có thể làm được.
Hiện nay, khi Cốc Cốc chiếm gần 20% thị trường trình duyệt Việt Nam, chị căn cứ vào điều gì để vận hành 1 thời gian nữa thì công ty sẽ đạt điểm cân bằng?
Tôi nghĩ điều đó phụ thuộc nhiều yếu tố. Nếu như chúng tôi đặt máy tìm kiếm Cốc Cốc làm mặc định trên trình duyệt thì ngay lập tực chúng tôi sẽ có khoảng 15-20% thị phần tìm kiếm. Nhưng kết quả tìm kiếm của Cốc Cốc không tốt bằng Google nên chúng tôi không ép người dùng phải dùng công cụ tìm kiếm của Cốc Cốc, vì như vậy họ sẽ bỏ mình.
Điều Cốc Cốc hướng đến là user experience first (trải nghiệm của người dùng) - làm sao để người ta có trình duyệt tốt nhưng có công cụ tìm kiếm phù hợp nhất. Cần hiểu là nếu kết quả trả về của mình và Google ngang nhau (đạt mức 7/10) thì lúc đó người dùng không còn để ý đang dùng Cốc Cốc hay Google, miễn là tìm kiếm được thông tin họ cần.
Về mô hình kinh doanh, Cốc Cốc chủ yếu kinh doanh quảng cáo trên trình duyệt. Tại sao lại như vậy khi hầu hết các trình duyệt khác không làm thế?
Việc khai thác trên trình duyệt là việc cực chẳng đã thôi (cười). Cốc Cốc là trình duyệt đầu tiên gắn quảng cáo trong khi giao diện của các trình duyệt khác thì vô cùng tối giản bởi họ có Google trả tiền quảng cáo.
Ví dụ Safari, tôi không nhớ con số chính xác nhưng số tiền Google trả tiền quảng cáo cho Apple trên các thiết bị sử dụng Safari lên tới cả tỷ đô la. Còn Cốc Cốc thì không được như vậy.
Doanh thu dự kiến của Cốc Cốc năm 2019 là bao nhiêu và so sánh với những năm gần đây ra sao?
Đối với doanh thu thì các năm gần đây chênh lệch nhau không nhiều. Chúng tôi không còn tăng trưởng vượt trội như những năm trước nữa. Ví dụ, năm 2014 – 2015 là con số sẽ gấp 3, từ năm 2015 – 2016 là gấp đôi. Tuy nhiên, đến 2016 – 2017 chỉ chênh nhau không nhiều. Doanh thu 2018 thì đâu đó tầm 12 triệu đô la, năm 2019 chỉ ngang hoặc hơn chút.
Chi phí của startup công nghệ cứ đội lên mỗi ngày, vậy làm sao để cân bằng dòng tiền?
Phải tối ưu thôi, chúng tôi chia nhiều dự án khác nhau, xác định sản phẩm nào là chính để tập trung nhiều nhất. Mỗi năm chọn 1 định hướng, làm sao đi đúng định hướng là được.
Nói một cách dễ hiểu nhất về bức tranh kinh doanh của Cốc Cốc thì chị sẽ nói gì?
Chúng tôi cũng vừa đi, có lúc cười, có lúc lo. Giờ tài chính thì hiểu là khéo biết chi tiêu thì có thể sống khỏe, nếu không khéo thì sống vất vả.
Khi cả ba nhà sáng lập người Việt Nam đều đã rời khỏi Cốc Cốc, chị cảm thấy thế nào?
Tôi thấy chuyện đó là bình thường. Các bạn chỉ đi ra ngoài làm việc khác chứ các thứ khác ở đây các bạn vẫn giữ, không có gì thay đổi. Cả 3 vẫn là cổ đông Cốc Cốc và chưa bán một cổ phiếu nào.
Tất cả founder khi vào Cốc Cốc đều là những sinh viên mới ra trường, có niềm đam mê, trải nghiệm nhất định, áp dụng kiến thức đã học vào công việc. Theo các bạn ấy, nếu chỉ ở đây thì không thể học thêm hoặc không thể mở được kiến thức kinh nghiệm lĩnh vực khác nữa.
Nếu các bạn muốn phát triển mình theo hướng khác, còn doanh nghiệp đến lúc nào đó sẽ cần những người mới đến mang luồng suy nghĩ, kiến thức mới thì việc ra đi vừa tốt cho doanh nghiệp vừa tốt cho các bạn.
Khởi đầu là các nhà đầu tư từ Nga, giờ đây, Cốc Cốc nhận đầu tư từ Đức. Họ đã tạo ra thay đổi gì cho công ty?
Trước đây, chúng tôi có các nhà đầu tư thiên thần, cái họ cho là tiền. Còn quỹ đầu tư của Đức (công ty đã làm trong lĩnh vực truyền thông hơn 100 năm) mang đến cho Cốc Cốc là kinh nghiệm, mối quan hệ với nhiều đối tác.
Ví dụ năm 2019, các nhà đầu tư mang đến cho chúng tôi mối quan hệ hợp tác với Yandex khi ra mắt Cốc Cốc đọc tin (Newtab 4.0).
Khi các sáng lập viên Việt Nam rời đi và làm việc với các nhà đầu tư nước mới, chị có cảm giác thay đổi gì so với ban đầu?
Thực ra suốt 8 năm làm việc, tôi không thấy thay đổi gì ngoài việc có thêm kinh nghiệm làm việc từ sếp mới. Làm thế nào có lãi, sống khỏe là được.
Việc có nhiều nhà đầu tư ngoại rót vốn từng khiến dư luận tranh cãi về việc Cốc Cốc là công ty Việt Nam hay công ty nước ngoài, bản thân chị có bao giờ băn khoăn về điều đó?
Tôi không nghĩ Cốc Cốc là một công ty của nước ngoài vì văn hóa Việt Nam vẫn rất cao. Các bạn nhân viên từ Ấn Độ, Đức, Nga… làm việc tại đây thì sẽ phải theo văn hóa Việt. Tất nhiên, Cốc Cốc luôn hỗ trợ các bạn ấy thích nghi, hòa nhập như dạy tiếng Việt, giúp các bạn tìm trường học cho con, đưa đi bệnh viện khi đau ốm.
Có điều, ở công ty mang tính đa quốc gia thì nhược điểm là không sử dụng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp mà dùng tiếng Anh, đôi khi, hai bên không hiểu ý nhau. Hồi đầu mới thành lập và làm việc với nhà đầu tư từ Nga, Cốc Cốc phải ưu tiên tuyển những người nói tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ.
Nhiều người tò mò về mức lương tuyển dụng nhân viên kinh doanh của công ty đã là 5.000 USD/ tháng cách đây 4 năm. Đó là chiêu trò hay lý do câu người bằng thu nhập?
Năm 2013, tôi là trưởng bộ phận Sale & Distribution của Cốc Cốc. Nếu nhìn vào bảng thuế thu nhập cá nhân của các bạn nhân viên kinh doanh khi đó thì đó không phải con số để cho vui mà thu nhập như vậy, thậm chí cao hơn.
Ở thời điểm không ai biết đến Cốc Cốc thì việc bán quảng cáo rất khó, nếu không trả mức lương xứng đáng thì nhân sự ra đi, khiến uy tín công ty hạ thấp. Dù tiền bán quảng cáo chỉ đủ chi trả cho nhân viên nhưng Cốc Cốc phải làm vậy để đầu tư nhân sự về lâu về dài. Bây giờ, chúng tôi có đội kinh doanh khá tốt. Trộm vía (cười).
Tất nhiên, mọi người cũng hiểu thời gian đầu khó bán thì chi phí để tuyển và giữ 1 bạn cao hơn bây giờ.
Trong cuộc chiến trình duyệt với các người khổng lồ, có khi nào chị mệt mỏi muốn từ bỏ?
Nếu nói về cá nhân thì năm nào cũng có giai đoạn cảm tôi thấy rất nản, hoài nghi mình có thể thành công với cái mình làm không. Nhưng ngẫm lại, trước đây khi làm ở ngân hàng, thì sáng nào thức dậy cũng có suy nghĩ "không, tôi không muốn đi làm, chỉ muốn ở nhà", còn ở Cốc Cốc thì ngày nào tôi cũng muốn đi làm.
Tôi nghĩ là tầm ảnh hưởng của 1 kỹ sư giỏi ở Google sẽ khác hẳn tầm ảnh hưởng của cũng kỹ sư đó ở Cốc Cốc. Cái quan trọng là việc phải đối đầu với 1 ông giàu và khỏe thì đó là động lực. Đây cũng là lý do Cốc Cốc thu hút được những người giỏi, những người có thôi thúc cần làm gì đó, để lại dấu vết gì đó rằng mình đã từng tồn tại trên thị trường.