Nghệ nhân quốc gia Đào Trọng Cường: Đôi bàn tay tài hoa vẽ nên những điều kì diệu
Nghệ nhân quốc gia Đào Trọng Cường, SN 1954, tại Hà Nội. Ông hiện là Phó Chủ tịch Hội đá quý Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty đá quý nữ trang Thần Châu Ngọc Việt. Xuất thân trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nên ngay từ nhỏ, Đào Trọng Cường đã có năng khiếu thiên bẩm về lĩnh vực âm nhạc. Không chỉ là tay trống cừ khôi, Đào Trọng Cường còn chơi ghi-ta rất thạo.
Thế nhưng những năm tháng đất nước còn nhiều khó khăn, Đào Trọng Cường quyết định chia tay với đam mê âm nhạc để làm kinh tế. Ông kinh qua tận 20 nghề như thợ sửa xe, thợ làm xà phòng, thợ mì sợi, công nhân chỉ khâu, đào vàng,…Thành công rồi lại thất bại nhưng lần nào Đào Trọng Cường cũng nhanh chóng lấy lại niềm lạc quan, ý chí khởi nghiệp mạnh mẽ. Cuối cùng, ông chọn cho mình nghề gắn liền với những viên đá lung linh, huyền ảo - họa sĩ tranh đá quý.
Những năm tháng đi đào vàng tại miền rừng núi Yên Bái, Đào Trọng Cường phát hiện nhiều người Thái Lan bỏ cả đống tiền để mua về hàng tấn đá mà theo ông chẳng có giá trị gì. Câu hỏi người Thái mua đá đó về làm gì cứ thường trực trong đầu của Đào Trọng Cường, thôi thúc ông sang tận Thái Lan tìm hiểu sự thật. Sau khi biết được họ mua đá về làm tranh đá, Đào Trọng Cường quyết định dành tất cả vốn liếng của mình để sang nước bạn học nghề. Thế nhưng các nghệ nhân nơi đây không đồng ý dạy nghề cho ông, thậm chí không cho ông vào xưởng chế tác vì sợ ông học lỏm nghề. Thế là Đào Trọng Cường mua hàng loạt bức tranh đá quý về đục đẽo, mày mò nghiên cứu tại sao chúng có thể trường tồn với thời gian như thế. 6 năm là khoảng thời gian ông miệt mài tìm hiểu, học hỏi về nghề tranh đá quý.
Năm 2002, giới mộ điệu bất ngờ về cuộc triển lãm 500 bức tranh đá quý của Đào Trọng Cường tại khách sạn Melia. Cùng năm, ông đoạt giải Sao vàng Đất Việt. Năm 2003, ông được trao danh hiệu nghệ nhân Bàn tay vàng. Năm 2006, ông được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân quốc gia. Cũng trong năm này, ông mở triển lãm tranh đá quý với 300 bức cỡ hoành tráng. Những tác phẩm như Bác Hồ kính yêu, Bình minh, Khát vọng, Tranh Đông Hồ, Chùa Một Cột,… đã trở thành những tác phẩm bất hủ trong sự nghiệp của Đào Trọng Cường cũng như của làng tranh đá quý Việt Nam, giúp ông giành được hàng loạt giải thưởng danh giá như Tinh hoa Việt Nam,…
Đặc biệt, nghệ nhân Đào Trọng Cường còn được Nhà nước giao trọng trách quan trọng là thực hiện và trao tặng 19 bức chân dung của 19 vị nguyên thủ quốc gia là thành viên tham dự APEC lần thứ 14 (năm 2006) được tổ chức tại Việt Nam. Các tác phẩm này đều được đánh giá cao bởi chính các vị nguyên thủ quốc gia, càng trở thành động lực để nghệ nhân Đào Trọng Cường không ngừng sáng tạo ra những tác phẩm để đời.
Không chỉ thành công trong sự nghiệp, nghệ nhân Đào Trọng Cường còn được biết đến là một nghệ sĩ, doanh nhân chăm chỉ tham gia các hoạt động thiện nguyện. Tác phẩm Bình minh của ông bán được hơn 21.000 đô la được ông ủng hộ cho các cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tác phẩm Ngày nay được bán với giá 9.000 đô la được ông ủng hộ cho các nạn nhân chất độc màu da cam. Hay như tác phẩm Ba miền được bán với giá 1,83 tỷ đồng được ông ủng hộ toàn bộ cho quỹ Vì người nghèo.
Mới đây, triển lãm hội họa Niệm – Nghệ thuật đương đại của 4 họa sĩ, nghệ nhân hàng đầu Việt Nam là Ngô Xuân Bính, Lê Văn Thìn, Đặng Tin Tưởng và Đào Trọng Cường đã diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội. Hơn 200 bức tranh đồ sộ của các họa sĩ tài hoa đã giúp triển lãm trở thành một hiện tượng của giới nghệ thuật. Theo nhận định của họa sĩ nổi tiếng Nguyễn Mạnh Đức, Niệm còn là sự dồn nén năng lượng để bùng cháy nham thạch của núi lửa phun trào, là cống hiến mà các họa sĩ muốn giới thiệu đến công chúng, người xem những đứa con hoàn toàn tươi mới, biết khóc, biết cười, biết tự mình bộc bạch, yêu hết mình, sáng tạo hết mình, dồn nén – bùng nổ,… Tại lễ khai mạc triển lãm, nghệ nhân quốc gia Đào Trọng Cường nhấn mạnh: “Ở cuộc triển lãm này, là thành quả của những tháng ngày gạn mưa, gặm đất, sàng lọc đá để có những tác phẩm hội họa chất lượng. Tôi tin rằng hội họa Việt Nam, những người họa sĩ của đất nước Việt Nam sẽ còn bay xa hơn, mang đến những đam mê, sáng tạo, cảm hứng tốt đẹp hơn cho cuộc sống này”.
Cũng tại triển lãm lần này, nghệ nhân Đào Trọng Cường đã trao tặng cho Bộ Ngoại giao bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để bày tỏ lòng biết ơn của những họa sĩ đương đại với công lao to lớn của vị cha già dân tộc. Được biết, ông đã dành thời gian 6 tháng để hoàn thành bức tranh quý có kích cỡ 1m54 x 2m76. “Để hoàn thành bức tranh này, tôi cũng khá vất vả, bởi vì đá quý không thể xóa được như bột màu, sơn dầu. Tôi đã dùng đá quý như sapphire, thạch anh, đá nguyên sơ, bột đá quý để thành màu bức tranh vừa chân thật, vừa bền vững với thời gian”, nghệ nhân Đào Trọng Cường chia sẻ.
Để có được thành công vang dội trong nghề tranh đá quý, nghệ nhân Đào Trọng Cường đã vượt qua rất nhiều chông gai, thử thách của cuộc đời. Với đôi bàn tay tài hoa cùng trí thông minh, sáng tạo, nghị lực vươn lên mạnh mẽ, ông đã viết lên câu chuyện cổ tích của một người nghệ sĩ luôn chất chứa sự đẹp đẽ, phóng khoáng trong con người và tác phẩm. Xin kết lại bài viết về nghệ nhân quốc gia Đào Trọng Cường bằng 2 câu đối mà GS Vũ Khiêu đã viết tặng ông: "Dồn hết tinh hoa tâm trí lại. Bừng lên châu ngọc nước non này".