Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp: Mong cơ chế cụ thể, thiết thực hơn
Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Châu Giang sản xuất các loại hoa công nghệ cao trong nhà lưới, nhà kính.
Vướng mắc từ nhiều phía
Theo báo cáo Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Hải Phòng, 6 tháng đầu năm 2018, toàn thành phố có 14 doanh nghiệp đang thăm dò, khảo sát đầu tư vào sản xuất nông nghiệp với diện tích 1815 ha, tổng số vốn đầu tư 8312 tỷ đồng. Trong đó, 3 doanh nghiệp đang hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án gồm: Công ty TNHH Sơn Trường thực hiện dự án với quy mô 165 ha tại huyện An Dương; Công ty CP Đầu tư, Thương mại và Vận tải Thành Trang thực hiện Dự án nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Tiên Lãng; Công ty VinEco thực hiện Dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao điều chỉnh mở rộng giai đoạn 2 tại huyện Vĩnh Bảo…
Khảo sát của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cho thấy, hiện nay, toàn thành phố có 166 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp với tổng số vốn đầu tư 991 tỷ đồng. Thực tế, số doanh nghiệp đến thăm dò, tìm hiểu khá nhiều, song mỗi năm chỉ có một vài doanh nghiệp triển khai đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, năm 2015 thành phố có 1 doanh nghiệp được UBND thành phố phê duyệt đầu tư sản xuất nông nghiệp; năm 2016 có 3 doanh nghiệp; năm 2017 có 2 doanh nghiệp.
Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp khi tìm hiểu đầu tư khá lạc quan song khả năng đáp ứng yêu cầu, tiến độ thực hiện lại chậm. Nguyên nhân, nhiều doanh nghiệp khó khăn do chi phí giải phóng mặt bằng tại một số huyện khá cao, doanh nghiệp khó có khả năng đáp ứng. Một số doanh nghiệp sau khi khảo sát thực tế, điều chỉnh, xem xét lại quy hoạch, kéo dài thời gian trình duyệt, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư. Có doanh nghiệp thuận lợi trong triển khai thủ tục đầu tư, lại gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, chưa thể vào cuộc ngay…. Giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường Tạ Quyết Thắng cho biết, doanh nghiệp dự kiến đầu tư cho dự án phát triển nông nghiệp tại huyện An Dương 300 tỷ đồng, song việc vay vốn ngân hàng gặp vướng mắc bởi yêu cầu thế chấp bìa đỏ. Vì vậy, doanh nghiệp khó có thể triển khai dự án với tiến độ khẩn trương hơn…
Cơ chế thiết thực hơn nữa
Năm 2017, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 13 và 14 về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở giúp các doanh nghiệp được thụ hưởng cơ chế chính sách của thành phố. Tuy nhiên, doanh nghiệp mong muốn Sở NN-PTNT sớm tham mưu với UBND thành phố ban hành hướng dẫn; tổ chức thực hiện hiệu quả, thiết thực đối với doanh nghiệp…
Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Hải Phòng Lê Trí Vũ khẳng định, thành phố quan tâm cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Những đề xuất dự án phù hợp với cơ chế, chính sách, quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt đều không gặp vướng mắc hay chậm trễ trong giải quyết thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, trong trường hợp hồ sơ đề xuất đầu tư phải chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện, việc nhanh hay chậm phụ thuộc chính nhà đầu tư. Vì vậy, Trung tâm đề nghị các doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các quy định liên quan đến các cơ chế chính sách đã ban hành; liên hệ với cơ quan có trách nhiệm để được hướng dẫn các nội dung chưa rõ, từ đó đề xuất đầu tư phù hợp với năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp…
Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng Phạm Thị Mỳ cho rằng, bên cạnh việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đáp ứng các thủ tục để được thành phố sớm phê duyệt dự án đầu tư, chính quyền địa phương cần vào cuộc tích cực hơn trong việc giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, tích cực vận động nhân dân địa phương dồn điền đổi thửa để quy hoạch các thửa đất lớn sau đó giúp doanh nghiệp thuê lại đất của nông dân. Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng phối hợp các ngành chức năng liên quan tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp lựa chọn điểm đầu tư ở các vị trí khả thi với mức giá hỗ trợ, đền bù đất nông nghiệp phù hợp…
Giám đốc Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Châu Giang Đào Quang Trịnh cho biết, doanh nghiệp đang trình thành phố dự án mở rộng diện tích trồng hoa công nghệ cao tại xã Đông Sơn (huyện Thủy Nguyên) với diện tích hơn 50 ha. Doanh nghiệp mong muốn các cấp ngành tạo điều kiện giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh được quy trình hoàn thiện thủ tục để thành phố phê duyệt dự án… Nhiều doanh nghiệp khác cũng mong đợi các cơ chế chính sách hỗ trợ của thành phố được áp dụng cụ thể, thiết thực hơn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp dễ dàng đáp ứng thủ tục đầu tư và triển khai dự án.