Đào Thế Vinh, "kẻ ngoại đạo" được đề cử vào hội đồng quản trị Thế Giới Di Động, là ai?
Ông Đào Thế Vinh, sinh năm 1972, vừa được Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đề xuất đưa vào làm thành viên độc lập trong hội đồng quản trị của công ty thời gian tới.
Trong tờ trình của Thế Giới Di Động, ông Đào Thế Vinh là Tổng giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Cổng Vàng, công ty chủ sở hữu các chuỗi ăn uống danh tiếng như Vuvuzela, Kichi-Kichi, SumoBBQ, Gogi House, lẩu nấm Ashima, Ba Con Cừu,...
Ông Đào Thế Vinh (bên trái), trong một dịp ký kết giữa Cổng Vàng (Golden Gate) với Vietinbank.- Ảnh: Vietinbank |
Thế Giới Di Động thành lập năm 2004, được Mekong Capital đầu tư năm 2007. Khi thoái vốn khỏi công ty này năm 2018, Tổng giám đốc Mekong Capital cho biết khoản đầu tư vào Thế Giới Di Động là một trong những khoản đầu tư thành công nhất trong lịch sử đầu tư cổ phần tư nhân của châu Á, vượt ra ngoài phạm vi Việt Nam.
Một năm sau khi đầu tư vào Thế Giới Di Động, Mekong Capital rót 2,6 triệu USD vào Cổng Vàng. Từ 5 nhà hàng tại thời điểm Mekong Capital đầu tư, Cổng Vàng có 67 nhà hàng với 11 thương hiệu sau 5 năm, trong đó có các thương hiệu được biết đến nhiều như đề cập phía trên. Ông Đào Thế Vinh chính là một trong 3 người sáng lập nên Cổng Vàng, khi ông xấp xỉ 30 tuổi.
Theo các tài liệu, ông Vinh học đại học tại Nga và làm việc một thời gian sau đó trở về Hà Nội. Ông mở nhà hàng lẩu nấm Ashima đầu tiên tại Hà Nội cuối năm 2005, một năm sau mở tại TP.HCM. Đến năm 2008, công ty của ông Vinh được Mekong Capital đầu tư và bắt đầu phát triển các chuỗi ăn uống với các tên tuổi được biết đến như hiện nay.
Cùng thành lập trong những năm 2000, cùng được nhận đầu tư từ quỹ ngoại, cùng đón đầu làn sóng tiêu dùng mới và tạo ra những quy chuẩn mạnh mẽ trong ngành nghề của hai công ty, Thế Giới Di Động và Cổng Vàng rõ ràng có nhiều điểm chung, nhiều giá trị cốt lõi giống nhau.
Từ một vài cửa hàng bán điện thoại nhỏ, nhờ quản trị bằng công nghệ mà Thế Giới Di Động hiện có hơn 2.000 cửa hàng với quy chuẩn đồng nhất, biết được từng chiếc điện thoại, từng món phụ kiện nhỏ đang ở cửa hàng nào, số lượng hàng tồn ra sao, khi nào cần phải khuyến mãi để không bị đọng hàng.
Cổng Vàng cũng tương tự, từng bó rau, cân thịt đều được quản lý kỹ lưỡng bằng hệ thống công nghệ, giúp việc quản lý và phát triển chuỗi diễn ra nhanh hơn. Khó có thể phủ nhận vai trò của Ashima, Vuvuzela, Kichi-Kichi hay SumoBBQ đã tạo xu hướng cho các chuỗi cửa hàng tương tự mọc ra. Trước khi Cổng Vàng mở các thương hiệu của họ, hiếm có chuỗi nhà hàng nào đón được xu thế, tạo quy chuẩn đồng nhất để phủ rộng khắp như thế.
HĐQT Thế Giới Di Động hiện có 7 thành viên. 3 trong số này là những người đồng sáng lập công ty, 4 người còn lại đều giữ những vị trí chủ chốt của MWG.
Ngoài ông Đào Thế Vinh, một thành viên khác cũng được đề cử vào HĐQT MWG lần này là ông Đoàn Văn Hiểu Em, cuối năm ngoái vừa được bổ nhiệm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động - người chịu trách nhiệm quản lý hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh.
Là thành viên HĐQT thứ 9 trong công ty, ông Đào Thế Vinh không có cổ phần và không giữ chức vụ nào, đóng vai trò là “kẻ ngoại đạo” tại MWG. Ông Vinh sẽ là thành viên độc lập trong HĐQT Thế Giới Di Động.
Năm 2019 Thế Giới Di Động tập trung phát triển mạnh Bách hoá Xanh. Kinh nghiệm thực tế trong ngành F&B của ông Vinh có thể sẽ có ích trong việc góp ý định hướng cho chuỗi FMCG này của Thế Giới Di Động.
Về lý thuyết quản trị, là thành viên độc lập trong HĐQT, ông Vinh được kỳ vọng sẽ đưa ra những ý kiến độc lập, không bị tác động bởi lợi ích của nhóm cổ đông lớn. Việc này sẽ giúp hướng phát triển sắp tới của Thế Giới Di Động sẽ cân bằng hơn, khi được nghe phát biểu của “người ngoài”.
Hải Đăng ictnews.vn