Chủ tịch và sáng lập Học viện Teky ĐÀO LAN HƯƠNG: Đưa Cách mạng 4.0 tới trẻ em Việt
Xuất phát điểm không phải “dân” công nghệ thông tin, nhưng với nỗ lực của mình, Đào Lan Hương trở thành một nữ doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực vốn nhiều nam giới làm việc. Chị là thành viên sáng lập và là Phó Chủ tịch của Tập đoàn Nexttech, Giám đốc điều hành Tập đoàn Weshop toàn cầu, chuyên hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới…
Năm 2017, Đào Lan Hương đã quyết định thành lập Học viện Sáng tạo Công nghệ Teky với kỳ vọng sẽ giúp trẻ nhỏ tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sau một năm thành lập, Teky đã gặt hái nhiều thành công như Top 10 Dự án ảnh hưởng xã hội tại Đông Nam Á (Chính phủ Australia và Đại học Melbourne bình chọn), học viên của Teky dành 5 Huy chương lập trình viên nhí quốc tế Wecode…
Chia sẻ bí quyết thành công với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, Đào Lan Hương bảo, đằng sau người đàn ông thành công có bóng dáng của người phụ nữ, còn đằng sau sự thành công của người phụ nữ thì có bóng dáng của cả gia đình...
Đến với công nghệ từ… số 0
- Thưa chị Đào Lan Hương, cơ duyên nào “xui” chị đến với công nghệ thông tin khi là một cử nhân ngành tài chính?
Chị Đào Lan Hương: Cái duyên! Năm 2001, chúng tôi thành lập một doanh nghiệp về công nghệ lấy tên là Công ty phần mềm và giải pháp Hòa Bình (tiền thân của Tập đoàn Nexttech sau này). Khi đó, chúng tôi làm dự án đầu tiên được đầu tư bởi IDG có tên là Chodientu.vn.
Cho tới hiện tại, Nexttech là một tập đoàn với 600 nhân viên, hoạt động tại 7 quốc gia trên thế giới và có trên 20 sản phẩm trong lĩnh vự công nghệ nghệ thông tin với những thương hiệu như Chodientu, Nganluong, Ebay.vn, Shipchung, Weshop…
Năm 2017, chúng tôi được ghi nhận là 1 trong 10 công ty có ảnh hưởng lớn nhất tới Internet tại Việt Nam.
- “Tay ngang” với lĩnh vực vốn được cho là dành cho… phái mạnh, lại là “nữ tướng,” chị làm thế nào để hoàn thành công việc của mình?
Chị Đào Lan Hương: Vì xuất phát từ con số 0, nên tôi luôn tự nhủ phải học hỏi và không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng.
Nữ lãnh đạo đã là thách thức lớn, đặc biệt, nữ lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn nhiều thách thức hơn nữa. Đầu tiên là việc phải cân bằng cuộc sống gia đình và công việc. Ở điều này, tôi rất may mắn vì có sự hậu thuẫn của gia đình, giúp mình yên tâm công tác, đóng góp nhiều hơn cho hoạt động của công ty.
Bên cạnh đó, khi là lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin vốn nhiều nam giới và tài năng thì để công việc đạt hiệu quả cần sự nỗ lực không mệt mỏi để cùng anh em chiến đấu, dẫn dắt công ty đi lên.
Khi thành lập Teky năm 2017, ban đầu tôi rất lo vì đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Để hiểu sâu về giáo dục, đào tạo, tôi đã phải đi thăm nhiều cơ sở giáo dục đào tạo trên thế giới, đặc biệt là chú trọng tới các công ty hoạt động ở thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, nhiều khi đi đến các trung tâm tại đây, họ không nói tiếng Anh và mình thì không nói tiếng Trung nên “vừa câm vừa điếc.”
Nhưng vất vả mấy thì cũng phải cố gắng vượt qua thôi. (Cười).
Dạy trẻ em đón cách mạng 4.0
- Nhắc tới Teky, đâu là lý do khiến chị “rẽ ngang” bánh lái?
Chị Đào Lan Hương: Tôi không rẽ ngang mà chỉ là “xây thêm nhà” thôi. Hiện, vai trò của tôi trong Nexttech và các công ty khác vẫn như vậy.
Teky là câu chuyện bắt đầu từ năm 2012. Khi đó, tôi tham gia nhiều hoạt động quốc tế lớn như các hội thảo, hội nghị của VisaCard, MasterCard… Tại đây, chúng tôi được tiếp cận nhiều với xu hướng công nghệ trên thế giới và mô hình cho xã hội tương lai.
Ngay tại thời điểm đó, tôi đã hình dung về một thế hệ trong tương lai được thụ hưởng công nghệ như thế nào và các bạn trẻ cần có sự chuẩn bị ra sao để tận dụng tốt những gì công nghệ đem lại.
Tôi đặc biệt chú ý tới xu hướng trên thế giới người ta chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thế nào. Những câu chuyện gây xúc động mạnh với tôi như cựu Tổng thống Mỹ Obama ký ngân sách 4 tỷ USD giảng dạy công nghệ thông tin cho trẻ nhỏ; Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore tham gia lập trình để cổ vũ khích lệ cho hoạt động ứng dụng, chuẩn bị cho thế hệ mới sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tới năm 2016, tôi đọc được thông tin về ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, ảnh hưởng thế nào tới nền kinh tế. Năm đó, Foxconn đã sa thải 60.000 nhân viên làm tôi suy nghĩ về việc ở Việt Nam khi đưa công nghệ vào sẽ ảnh hưởng thế nào tới xã hội tương lai. Và các bạn nhỏ, thế hệ con của tôi sẽ phải chuẩn bị thế nào?
Tìm hiểu nghiêm túc, tôi thấy rằng việc giáo dục công nghệ thông tin cho trẻ nhỏ của chúng ta kém xa so với thế giới. Nhiều quốc gia phát triển đã đưa lập trình vào lớp 1 để các bạn nhỏ học và họ có nguồn ngân sách riêng cho các hoạt động như vậy.
Và, tôi quyết định vận động một số người bạn thực hiện lớp học đầu tiên dành cho con chúng tôi, mời thầy giáo đến như một hình thức gia sư tại nhà.
Sau khi các bạn nhỏ học một năm, tôi thấy những lợi ích của việc học lập trình cho trẻ em từ sớm rất quan trọng trong việc phát triển tư duy logic cũng như kỹ năng sử dụng máy tính và những kiến thức mà các bạn cần chuẩn bị trong tương lai cho cách mạng công nghiệp 4.0 như lập trình, ứng dụng điện tử…
Từ đó, tôi quyết định nghiên cứu những mô hình tiên tiến trên thế giới để xây dựng cơ sở học viện Teky đầu tiên ở Việt Nam. Chúng tôi chính thức thành lập trung tâm đầu tiên tại Hà Nội vào tháng 3/2017 và Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 6/2017.
- Một năm qua, Teky đã làm được những gì?
Chị Đào Lan Hương: Khi mở hai trung tâm, chúng tôi được đón nhận rất tốt trên thị trường và được ghi nhận là 1 trong 10 Dự án có ảnh hưởng nhất trong khu vực Đông Nam Á (từ 2.000 dự án khác nhau trong khu vực) do Chính phủ Australia và Đại học Melbourne bình chọn. Trong năm qua, học viên của Teky dành 5 Huy chương lập trình viên nhí quốc tế Wecode... Tháng Ba này, 4 đội của Việt Nam sẽ tham dự vòng chung kết Cuộc thi lập trình quốc tế App Jamming Summit tại Hong Kong và chiến thắng sẽ được đi Mỹ để thi đấu.
Tới nay, chúng tôi đã giới thiệu chương trình tới hơn 3.000 bạn học sinh và thường xuyên có khoảng 600 học sinh đang theo học tại hai trung tâm. Teky cũng có khoảng 100 giảng viên và cộng tác viên là các kỹ sư công nghệ được đào tạo kỹ năng sư phạm để truyền tải kiến thức phù hợp độ tuổi của trẻ.
Năm 2018, Teky đặt mục tiêu tiếp cận 10.000 học sinh, hợp tác với các trường để tham gia vào hoạt động đổi mới giáo dục và tìm kiếm thêm các đối tác ở các tỉnh thành, chú ý hơn tới chương trình riêng dành cho các bạn gái. Ngoài ra, chúng tôi sẽ mở thêm trung tâm thứ 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh; hợp tác với Tập đoàn IDTech (Mỹ) và Tập đoàn Sigong Media (Hàn Quốc) để cùng phát triển chương trình giảng dạy theo chuẩn quốc tế tại Việt Nam…
Gia đình là bệ đỡ
- Các em nhỏ cần học gì để đón đầu cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thưa chị?
Chị Đào Lan Hương: Có ba bộ môn quan trọng nhất là lập trình; điện tử-tự động; bộ môn về công nghệ 3D.
Theo quan sát của chúng tôi, các chương trình dạy ở Việt Nam hầu như không có lộ trình đủ dài để các bạn trở thành nền tảng kiến thức mà chỉ chủ yếu là giới thiệu, khuyến khích các bạn đam mê các bộ môn này.
Do đó, Teky xây dựng chương trình mô hình đào tạo có lộ trình đủ dài để các bạn có hành trang, kiến thức nền tảng. Ngoài việc môn học phù hợp độ tuổi, chương trình học phải cập nhật với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phù hợp xu thế của thế giới.
- Theo chị, phụ nữ cần làm gì để có được vị trí tốt trong lĩnh vực công nghệ thông tin? Chị có lời khuyên nào đối với chị em đang hoạt động trong lĩnh vực này?
Chị Đào Lan Hương: Tôi tin rằng đằng sau một người đàn ông thành công thì có bóng dáng của người phụ nữ, còn đằng sau sự thành công của người phụ nữ thì có bóng dáng cả gia đình.
Phụ nữ muốn vừa thành công trong sự nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cần tận dụng và tranh thủ sự giúp đỡ của gia đình. Đây là yếu tố quan trọng đặc biệt bên cạnh những nỗ lực không mệt mỏi của bản thân…
- Xin cảm ơn chị!