Chân dung Doanh nhân Đào Đình Hải con người Chất lính
Anh là người con của Hà Nội nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên. Khác với những chàng trai Hà Nội trắng trẻo thư sinh, anh cao to, da ngăm đen, tóc cắt ngắn “rất lính”. Năm 12 tuổi Hải chứng kiến trận đánh ác liệt 12 ngày đêm vào Hà Nội cuối năm 1972, cả khu phố anh nằm trong toạ độ huỷ diệt của B52. Chiến tranh đã qua đi hơn ba chục năm nhưng ký ức không bao giờ quên
CHẤT LÍNH
Ấn tượng về cuộc trò chuyện sáng nay với Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Mỹ nghệ Thăng Long Đào Đình Hải đó là nghị lực vươn lên trong cuộc sống của anh.
Người con của Khâm Thiên
Anh là người con của Hà Nội nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên. Khác với những chàng trai Hà Nội trắng trẻo thư sinh, anh cao to, da ngăm đen, tóc cắt ngắn “rất lính”. Năm 12 tuổi Hải chứng kiến trận đánh ác liệt 12 ngày đêm vào Hà Nội cuối năm 1972, cả khu phố anh nằm trong toạ độ huỷ diệt của B52. Chiến tranh đã qua đi hơn ba chục năm nhưng ký ức không bao giờ quên: Những trận bom rền, hầm chao đảo, sụt lở cũng may là có đội cứu sập hầm đến kịp. Thế là trong đống đổ nát, cả gia đình anh còn nguyên vẹn. Sau này mỗi lần anh đi qua khu tưởng niệm Khâm Thiên, kỷ niệm xưa lại ùa về. Học xong cấp ba, Hải lên đường nhập ngũ. Những năm tháng sống trong quân đội trôi nhanh dù là người lính bộ binh hay cán bộ khung huấn luyện đều đã giúp cho anh rèn những phẩm chất của người lính: Sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đứng trước sự lựa chọn: Đi học sĩ quan hoặc phục viên, cuối cùng thì anh quyết định khả năng thứ hai. Trong thâm tâm nhiều lúc anh thèm được một ngày yên tĩnh để đắm mình trong những bài ca về Hà Nội. Năm 1982, anh về làm bảo vệ Công ty XNK Thủ công Mỹ nghệ Hà Nội Bộ Thương mại, tự nhủ mình phải làm tốt trách nhiệm được giao. Tháng năm trôi qua thầm lặng, sau giờ làm việc anh tìm về với tổ ấm gia đình, ở đó có người vợ hiền và hai đứa con yêu. Dù bận rộn công việc, về khuya anh vẫn không quên chăm sóc những cây cảnh, hoa trong mảnh vườn nhỏ xanh tươi.
Chất lính
Làm bảo vệ với anh không chỉ làm trách nhiệm mà còn là tình cảm. Bộ quân phục mỗi khi làm nhiệm vụ nhắc anh về những năm tháng được rèn luyện trên thao trường. Anh mang cả những tập sách báo, đều đặn đến nơi làm việc để những lúc rỗi rãi đem ra học, không phải là không có người cười nhạo, anh vẫn lặng lẽ thực hiện quyết tâm của mình. Năm 1985 cơ quan mở lớp Đại học Ngoại thương tại chức, anh được tham gia học. Anh mừng lắm, điều mà anh ao ước bấy lâu nay đã thành sự thực. Vừa công tác vừa học tập, ý thức trách nhiệm và lòng hiếu học đã giúp anh vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua. Sau bốn năm kiên trì, anh đã hoàn thành tốt chương trình và được phân công công tác ở phòng XNK, một thời gian sau làm phó phòng rồi trưởng phòng. Tôi hỏi: Điều gì đã giúp anh đứng vững trong cơ chế thị trường trên cương vị mới? Anh trả lời: Đó là ý thức trách nhiệm, là phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng. Làm cán bộ XNK nếu không đặt lợi ích của tập thể lên trên thì cũng dễ có nhiều cách lợi dụng cho riêng mình. Không phải là không có người đã lợi dụng mối quan hệ giữa công ty với khách hàng mà mình là người ký kết để thành lập công ty “ma” để kéo hết hợp đồng “béo bở” của công ty về đấy. Tôi không làm như vậy. Chất lính mà anh!
Anh cũng vừa học xong một chương trình chính trị cao cấp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do Bộ Thương mại tổ chức trong hai năm.
Năm 1997, công ty gặp nhiều khó khăn, nợ nần chồng chất, cán bộ công nhân viên không có việc làm, nhiều người bỏ công ty đi làm nơi khác, công ty trên bờ vực phá sản. Không thể để cho công ty bị xoá sổ, lãnh đạo bộ chỉ đạo việc tổ chức lại. Đào Đình Hải, người lính năm xưa được đề bạt làm phó giám đốc, hai năm sau làm giám đốc. Anh tâm sự: “Lúc đầu cũng lo lắm nhưng tôi tin ở sức mạnh tập thể và cũng tự tin ở chính mình. Nhiều năm làm việc ở công ty tôi hiểu cán bộ công nhân viên rất nhiều người có năng lực, thiết tha mong muốn được góp sức mình để cho công ty ăn nên làm ra. Mặt khác cơ chế chính sách của Nhà nước cũng đã thông thoáng rất nhiều, tôi không thể phụ lòng tin của lãnh đạo và cán bộ công nhân viên công ty”.
Mạnh dạn đổi mới cơ chế quản lý công ty
“Phát triển doanh nghiệp XNK phải quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường ra nước ngoài, đồng thời cũng phải giải quyết tốt khâu nguồn hàng xuất khẩu nhưng điều quan trọng phải làm trước tiến là phải có một bộ máy làm việc đồng bộ, nhất trí”, nghĩ thế nên anh đã cùng lãnh đạo công ty sắp xếp lại tổ chức theo tinh thần giảm gọn nhẹ và hiệu qủa, mời những người có khả năng chuyên môn đã bỏ đi đơn vị khác trở về, bồi dưỡng và đề bạt, sử dụng những cán bộ có năng lực thực sự đảm nhiệm trọng trách. Tổ chức lại các phòng ban trực tiếp từ giám đốc theo các ngành hàng xuất khẩu: Thêu ren, thủ công mỹ nghệ, dệt móc thủ công… Đối với những người về hưu, những người chưa đến tuổi về hưu nhưng năng lực yếu, công ty đảm bảo các chế độ hưu trí, khuyến khích việc về hưu sớm nên đã giải quyết được tình trạng thừa lao động, từ 500 người trước đây đến nay chỉ còn 140. Công ty tích cực tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế để giới thiệu hàng Việt Nam và tìm thị trường mới tiêu thụ sản phẩm. Nhờ Hội chợ triển lãm thủ công mỹ nghệ FRANKURT (Cộng hoà Liên bang Đức), Hội chợ MILAN (Ý), Hội chợ thủ công mỹ nghệ Nhật bản, Ấn Độ, Thái Lan mà các Phòng XNK1, 5, 6 và chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh có thêm nhiều hợp đồng xuất khẩu hàng ren đi Ý, Anh, Nhật… hàng gốm sứ đi Tây Ban Nha và mây tre đan đi Đức, Hy Lạp… Có cơ chế khoán, quản hợp lý, khuyến khích các phòng XNK đến với từng làng nghề, đặt hàng cung cấp kịp thời mẫu mã, kiểm tra chất lượng chặt chẽ, thanh toán sòng phẳng đúng hạn vừa tạo niềm tin cho các đơn vị sản xuất vừa có đủ hàng xuất khẩu. Nhiều hợp đồng đặt hàng lớn từ nước ngoài được công ty phối hợp với các đơn vị sản xuất, đầu tư trang thiết bị, mở rộng nhà xưởng đủ điều kiện làm hàng ổn định. Mặc dù bận nhiều công việc, anh vẫn trực tiếp đến với nhiều đơn vị sản xuất, tham gia hội chợ, theo sát tình hình thực tế sản xuất và kinh doanh vì thế mà kịp thời điều chỉnh phương thức quản lý. Nếu như trước đây để phát huy vai trò tự chủ của các phòng, giám đốc uỷ quyền cho các trưởng phòng XNK ký hợp đồng với khách hàng thì hiện nay trong điều kiện mới để thống nhất quản lý một đầu mối tránh sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, giám đốc công ty trực tiếp ký với các khách hàng. Thành lập phòng thị trường để quản lý thông tin đảm bảo bí mật, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Bốn năm liên tục 1999 đến năm 2002 năm nào công ty cũng vượt mức xuất khẩu, năm sau hơn năm trước 20%, được Bộ Thương mại thưởng và cấp bằng khen. Năm 2002 kim ngạch XK đạt 5,7 triệu USD. Năm tháng đầu năm 2003, kim ngạch XK 3,3 triệu USD đạt 68% kế hoạch cả năm. Lương bình quân CBCNV từ 500.000đ/tháng, năm 1999 lên 1,1 triệu đồng/tháng, năm 2002. Đời sống của người lao động được cải thiện về mọi mặt, công ty còn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, làm công tác từ thiện.
Góp phần xoá đói giảm nghèo
XNK hàng thủ công mỹ nghệ không chỉ đem lại lợi ích cho công ty mà điều quan trong hơn là góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Nếu theo cách tính thông thường cứ 1 triệu USD thu được góp phần giải quyết việc làm cho 3.000 lao động thì mỗi năm công ty giải quyết được cho từ 15.000 đến 18.000 lao động có việc làm với mức lương trung bình từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng/tháng, góp phần giải quyết những tệ nạn xã hội. Anh cũng cho biết thêm về hướng sản xuất kinh doanh của công ty trong thời gian tới: Năm 2003 tổng kim ngạch XK đạt 7 triệu USD, tăng gần 20% so với năm trước. Tổ chức liên doanh liên kết cùng với các địa phương sản xuất lớn hàng XK.
Từ người bảo vệ Đào Đình Hải nghị lực vươn lên trở thành một “Nhà doanh nghiệp giỏi” của Hà Nội, có mặt trong cuộc gặp những nhà doanh nghiệp trẻ tiêu biểu toàn quốc lần thứ ba năm 2002.